An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề “nóng” luôn được xã hội quan tâm. Đối với người tiêu dùng, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch ngày càng lớn, đặc biệt là rau an toàn (RAT). Vậy RAT là gì? Điều kiện sản xuất như thế nào? Thông tin chi tiết sẽ được chúng tôi gửi đến bạn qua nội dung dưới đây, theo dõi ngay nhé!
Thế nào là rau an toàn?
Năm 1998, Quyết định 67/1998/QĐ-BNN-KHCN được ban hành. Quyết định này lần đầu tiên cho ra đời khái niệm RAT là rau đạt các quy chuẩn an toàn tối thiểu của quốc tế. Đó là những sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả các loại rau ăn lá - thân - củ - hoa - quả - hạt, các loại nấm thực phẩm...) được sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản theo quy định kỹ thuật; bảo đảm tồn dư về vi sinh vật & hóa chất độc hại dưới mức giới hạn tối đa cho phép.
Năm 2012, Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT được ban hành đã mở rộng khái niệm RAT. Điều 2 của Thông tư giải thích thuật ngữ “rau an toàn” tương ứng với 3 trường hợp:
- Rau đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm
- Rau được sản xuất theo quy trình được chứng nhận an toàn của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh.
- Rau đạt tiêu chuẩn quy trình VietGAP hoặc tương đương (ví dụ tiêu chuẩn hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn GAP khác)
Hiểu ngắn gọn, RAT là loại rau ăn vào không gây hại cho sức khỏe
Nói cách khác, rau an toàn là rau không hư hỏng, không dập nát, không chứa các sản phẩm hóa học độc hại. Hàm lượng nitrat, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như vi sinh vật gây hại trong rau được hạn chế theo tiêu chuẩn an toàn. Rau được trồng trên các vùng đất & nguồn nước tưới không ô nhiễm kim loại nặng, canh tác theo quy trình tổng hợp, hạn chế sử dụng phân bón & thuốc bảo vệ thực vật hóa học ở mức độ tối thiểu cho phép.
Điều kiện sản xuất rau an toàn là gì?
Để đảm bảo sản phẩm RAT, quá trình sản xuất cần tuân thủ tuyệt đối các quy định đã được ban hành, phải vận dụng cụ thể cho từng loại rau và từng điều kiện thực tế của địa phương. Một số yêu cầu chính trong sản xuất rau an toàn như sau:
Về đất trồng
Nằm trong quy hoạch, hàm lượng kim loại nặng tối đa dưới mức cho phép
Về nước tưới
Đạt tiêu chuẩn sinh hoạt cho người
Về phân bón
Có quy trình bón phân cụ thể cho từng loại rau. Sử dụng phân xanh, phân chuồng đã ủ hoai mục; sử dụng hợp lý về số lượng các loại phân hữu cơ, vô cơ; tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân vi sinh để thay thế phân vô cơ; không sử dụng phân đạm hóa học quá mức; hạn chế sử dụng các chất kích thích & điều hòa sinh trưởng cây trồng…
Rau ăn lá phải kết thúc bón phân trước thu hoạch từ 15 - 20 ngày
Về phòng trừ dịch hại
Áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) theo nguyên tắc hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch hại gây ra, ít độc cho con người, không gây ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phải có quy trình IPM từ khâu làm đất đến bước thu hoạch - bảo quản cho từng loại rau, tập trung vào việc tuyển chọn giống rau tốt, xử lý hạt giống và cây giống trước khi gieo trồng. Thực hiện chế độ luân canh, xen canh, vệ sinh đồng ruộng… để giảm thiểu tác động của dịch hại…
Về sử dụng thuốc hóa học
Chỉ dùng thuốc có trong danh mục cho phép sử dụng trên rau khi cần thiết; ưu tiên thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc, độ độc thấp, nhanh phân hủy, ít gây ảnh hưởng đến những sinh vật có ích trên đồng ruộng. Đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch theo chỉ dẫn của từng loại thuốc. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật trong quy trình sản xuất & dư lượng hóa chất có trong rau. Các tiêu chí phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải được tiến hành tại phòng thí nghiệm đạt chuẩn.
Về thu hoạch, sơ chế và đóng gói
Thu hoạch đúng thời gian theo quy trình của từng loại rau. Không để rau sau thu hoạch tiếp xúc trực tiếp với đất, hạn chế để qua đêm. Dụng cụ, thùng chứa, bao bì đóng gói phải được làm từ nguyên liệu không gây ô nhiễm lên sản phẩm. Sử dụng nước sạch đạt chuẩn để rửa và sơ chế rau. Có hệ thống xử lý rác thải & hệ thống thoát nước để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm đến vùng sản xuất và nguồn nước.
Xây dựng công trình phục vụ gieo trồng, xử lý, đóng gói, bảo quản
Về bảo quản và vận chuyển
Sử dụng hóa chất, chế phẩm, màng sáp cho phép trong quá trình xử lý sau thu hoạch. Không bảo quản và vận chuyển rau tươi chung với hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm cho sản phẩm. Phương tiện vận chuyển phải được làm sạch trước khi xếp thùng chứa rau. Kho và phương tiện vận chuyển phải được khử trùng thường xuyên.
Về nhân lực
Lao động sử dụng phải có hiểu biết và có sự giám sát bởi cán bộ kỹ thuật chuyên ngành
Trên đây là một số thông tin về RAT mà HTX Rau an toàn Mười Hai muốn gửi đến bạn đọc. Có thể thấy tiêu thụ rau an toàn đang là xu hướng tất yếu của xã hội ngày nay, vì vậy mọi người nên thay đổi thói quen tiêu dùng và tích cực ủng hộ các sản phẩm rau sạch bền vững.
HỢP TÁC XÃ RAU AN TOÀN MƯỜI HAI
Địa chỉ: Ấp 4, Xã Long Khê, Huyện Cần Đước, Long An
Điện thoại: 0918 404 000
Email: htx.rauantoanmuoihai@gmail.com
Website: rausach12.com